Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Những nhà mạng di động đã mãi mãi 'tuyệt chủng' tại Việt Nam

(Techz.vn) Trong số những nhà mạng này, có đơn vị đã bị mua bán, sát nhập, có đơn vị đã bị mất tên và cũng có đơn vị đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Hiện tại, nếu được hỏi một người bất kỳ về tên của một nhà mạng Việt Nam, chắc chắn một trong 4 cái tên Viettel, Vinaphone, Mobifone và Vietnammobile sẽ được mọi người nhắc đến. Tuy nhiên, nếu nhìn lại khoảng chục năm trở về trước, thị trường di động tại Việt Nam không chỉ gói gọn trong các nhà mạng này. Và chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những nhà mạng đã từng “tuyệt chủng” trước sức cạnh tranh quá lớn của thị trường di động.

1, HT-MOBILE

Ở thời điểm này, dù không phải là một thương hiệu mạnh nhưng khi nhắc đến VietnamMobile, hẳn ít nhiều người trong chúng ta vẫn phần nào mường tượng ra hình ảnh về một nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, cách đây gần chục năm, tiền thân của VietnamMobile là một nhà mạng khác với tên gọi HT-Mobile.
HT-Mobile là mạng di động thứ 6 được cấp phép tại Việt Nam theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Hanoi Telecom và Tập đoàn Hutchison (Hồng Kông). HT-Mobile bắt đầu cung cấp dịch vụ vào tháng 11 năm 2006 với logo hình con ong. Đầu số mà HT-Mobile được sử dụng tại Việt Nam là 092.
Những nhà mạng di động đã mãi mãi 'tuyệt chủng' tại Việt Nam
HT-Mobile, nhà mạng quen thuộc một thời với người sử dụng di động tại Việt Nam (Ảnh: Internet)
Đây là một trong số ít những nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam sử dụng công nghệ CDMA 2000-EvDO với tần số hoạt động 800 MHz. Tuy nhiên do gặp một số khó khăn khách quan nên HT-Mobile đã xin phép được chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang eGSM và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để thực hiện việc chuyển đổi công nghệ, HT-Mobile đã tiến hành gửi tất cả các thuê bao hiện có của mình sang cho S-Fone, một mạng di động CDMA khác dùng cùng tần số tại Việt Nam quản lý.
Tháng 6 năm 2008, Hanoi Telecom và Hutchison đã ký hợp đồng với Ericsson và Huawei để có thể quản lý, vận hành và thiết kế mạng cho mạng di động mới trong 3 năm, đồng thời chịu trách nhiệm chuyển đổi toàn hệ thống mạng từ công nghệ CDMA sang GSM/EDGE.
Vào ngày 8 tháng 4 năm 2009, Hanoi Telecom đã chính thức ra mắt mạng di động mới của mình với tên Vietnamobile, vẫn giữ nguyên đầu số 092 và hoạt động từ đó tới bây giờ.

2, S-FONE

Sau màn chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang GSM của HT-Mobile, S-Fone trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ CDMA duy nhất trên thị trường di động Việt. Nhà mạng này bắt đầu cung cấp dịch vụ kể từ tháng 07/2003 và là thương hiệu của Trung tâm điện thoại di động CDMA S-Telecom.
S-Telecom là kết quả của một liên minh bao gồm SPT (đại diện phía Việt Nam) và SLD Telecom (là liên doanh giữa SK Telecom, LG Electronics và DongA Elecom - trong đó SK Telecom chiếm phần lớn vốn).
Những nhà mạng di động đã mãi mãi 'tuyệt chủng' tại Việt Nam
S-Fone, một trong những nhà mạng CDMA hiếm hoi tại Việt Nam (Ảnh: Internet)
Điểm đặc biệt nhất cần nhắc đến khi nói tới S-Fone là việc đơn vị này là nhà mạng đầu tiên cung cấp 3G và các dịch cụ 3G tại Việt Nam. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, S-Fone từng quản lý khoảng 3.1 triệu thuê bao di động (năm 2008). So với các nhà mạng cùng thời khác, số lượng thuê bao của S-Fone chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong miếng bánh thị phần.
Một trong những sự kiện ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình hoạt động của S-Fone là việc rút vốn của đối tác SK-Telecom vào tháng 8/2009. Đến năm 2010, tình hình kinh doanh viễn thông ngày càng khó khăn. S-fone bắt đầu phát triển chậm lại và đi xuống.
Những nhà mạng di động đã mãi mãi 'tuyệt chủng' tại Việt Nam
Sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, S-Fone đã lâm vào tình trạng túng quẫn (Ảnh: Internet)
Số lượng thuê bao rời mạng ngày càng nhiều, trong khi số lượng thuê bao hòa mạng mới là rất ít. S-Fone yếu dần do sức ép cạnh tranh dữ dội từ các nhà mạng khác và cũng do bị cô lập về thiết bị đầu cuối khiến S-fone không thể phát triển được, một phần cũng vì S-Fone là nhà cung cấp CDMA duy nhất sau khi HT Mobile và EVNTelecom lần lượt phải chuyển sang GSM(mạng Vietnamobile) và bán mình cho Viettel.
Năm 2011, số lượng thuê bao của S-fone còn rất ít. Để tránh bị thua lỗ nặng, S-fone bắt đầu cắt các trạm BTS của mình trên toàn quốc. Vùng phủ sóng dần bị thu hẹp lại, chỉ còn ở các thành phố lớn và miền nam Việt Nam.
Tháng 7 năm 2012, S-fone đã ngừng hợp đồng với tất cả nhân viên. Tất cả các điểm giao dịch đều đóng cửa. Website chính thức của S-fone ngừng hoạt động. S-fone gần như đã chấm dứt sự tồn tại của mình trên thị trường.

3, BEELINE

Ở thời điểm này, khi nhắc đến Beeline nhiều người vẫn còn bị ấn tượng mạnh bởi những màn quảng cáo ấn tượng với sự kết hợp của những chú gà nhỏ có màu đen và vàng. Tuy nhiên, thương hiệu này đã chính thức không còn tồn tại kể từ thời điểm cuối năm ngoái.
Những nhà mạng di động đã mãi mãi 'tuyệt chủng' tại Việt Nam
Sau nhiều chiến dịch truyền thông hoành tráng, Beeline cũng đã phải sớm nói lời tạm biệt với Việt Nam (Ảnh: Internet)
Beeline là thương hiệu của hãng viễn thông lớn thứ 2 tại Nga với tên gọi VinpelCom. Vào tháng 7 năm 2009, Beeline hợp tác với Gtel Mobile để trở thành mạng liên doanh quốc tế và là nhà mạng viễn thông thứ 7 tại Việt Nam. Nhà mạng này hoạt động với 2 đầu số được cấp phép là 099 và 0199.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm kinh doanh thua lỗ, Beeline rút khỏi liên doanh và rời khỏi thị trường Việt Nam kể từ thời điểm năm 2013. Hiện tại, đối tác của nhà mạng này là Gtel Mobile tiếp tục khai thác những cơ sở còn lại tại Việt Nam của Beeline với thương hiệu mới là Gmobile.

4, EVN TELECOM

Ít tên tuổi hơn một chút so với 3 nhà mạng kể trên là EVN Telecom của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). EVN Telecom là mạng di động thứ 6 tại Việt Nam, sở hữu đầu số 096 và băng tần 450 MHZ. Dải băng tần này cũng là một điểm yếu của EVN Telecom khi đây chỉ là băng tần thấp và có khả năng nhiễu sóng cao.
Những nhà mạng di động đã mãi mãi 'tuyệt chủng' tại Việt Nam
EVN Telecom đã bị sát nhập vào Viettel sau thời gian dài làm ăn thua lỗ (Ảnh: Internet)
Sau gần 7 năm triển khai, EVN Telecom rơi vào tình cảnh khó khăn, lượng thuê bao phát triển thấp, doanh thu cũng không đạt được mức kỳ vọng. Bên cạnh đó, những món nợ khổng lồ với các đối tác là Viettel và VNPT cũng đã khiến tình hình tài chính của EVN Telecom thực sự rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy vụ sát nhập giữa EVN Telecom và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel vào ngày 1/1/2012.

0 nhận xét: