Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân

1 -Kỹ năng tự nhận thức
Là khả năng hiểu về chính bản thân mình như: cơ thể, tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của bản thân, biết nhìn nhận đánh giá đúng về tiềm năng, tình cảm, sở thích, thói quen, điểm mạnh, điểm yếu, luôn ý thức được mình đang làm gì, kể cả nhận ra lúc bản thân đang cảm thấy căng thẳng. Tự nhận thức là một kỹ năng sống rất cơ bản của con người, là nền tảng để con người giao tiếp, ứng xử phù hợp với người khác.
2 -Kỹ năng xác định giá trị
Mỗi người đều có một hệ thống giá trị riêng. Kỹ năng xác định giá trị là khả năng con người hiểu rõ được những giá trị của bản thân mình. Kỹ năng này còn giúp người ta biết tôn trọng người khác. Giá trị không phải là bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian, theo các giai đoạn trưởng thành của con người. Giá trị có thể là những chuẩn mực đạo đức, những chính kiến, thái độ và thậm chí là thành kiến đối với một điều gì đó…
3 -Kỹ năng kiểm soát cảm xúc
Là khả năng con người nhận thức rõ cảm xúc của mình trong một tình huống nào đó và hiểu được ảnh hưởng của cảm xúc đối với bản thân và người khác. Một người biết kiểm soát cảm xúc sẽ góp phần giảm căng thẳng, giúp giao tiếp và thương lượng hiệu quả hơn, giải quyết mâu thuẫn một cách hài hòa và mang tính xây dựng hơn, giúp ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn.
4 -Kỹ năng ứng phó với căng thẳng
Giúp con người biết suy nghĩ và ứng phó một cách tích cực khi căng thẳng, duy trì được trạng thái cân bằng, không làm tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
5 -Kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ
Bao gồm các yếu tố: ý thức được nhu cầu cần giúp đỡ, biết xác định được những địa chỉ hỗ trợ đáng tin cậy, tự tin và biết tìm đến các địa chỉ đó, biết bày tỏ nhu cầu cần giúp đỡ một cách phù hợp. Kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ giúp chúng ta có thể nhận được những lời khuyên, sự can thiệp cần thiết để tháo gỡ, giải quyết những vấn đề, tình huống của mình.
6 -Kỹ năng thể hiện sự tự tin
Giúp cá nhân giao tiếp hiệu quả hơn, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ và ý kiến của mình, quyết đoán trong việc ra quyết định và giải quyết vấn đề, thể hiện sự kiên định, giúp suy nghĩ tích cực và lạc quan trong cuộc sống.
7 -Kỹ năng giao tiếp
Biết đánh giá tình huống giao tiếp và điều chỉnh cách giao tiếp một cách phù hợp, hiệu quả. Kỹ năng giao tiếp là yếu tố cần thiết cho nhiều kỹ năng khác như bày tỏ sự cảm thông, thương lượng, hợp tác, tìm kiếm sự giúp đỡ, giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát cảm xúc.
8 -Kỹ năng lắng nghe tích cực
Biết thể hiện sự tập trung chú ý và quan tâm lắng nghe ý kiến hoặc phần trình bày của người khác, biết cho ý kiến phản hồi mà không vội đánh giá, đồng thời có đối đáp hợp lý trong quá trình giao tiếp. Kỹ năng này thường được nhìn nhận là biết tôn trọng và quan tâm đến ý kiến của người khác.
9 -Kỹ năng thể hiện sự cảm thông
Là khả năng có thể hình dung và đặt mình trong hoàn cảnh của người khác, giúp chúng ta hiểu và chấp nhận người khác. Kỹ năng này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả giao tiếp và ứng xử với người khác, cải thiện các mối quan hệ giao tiếp xã hội.
10 -Kỹ năng thương lượng
Khả năng trình bày suy nghĩ, phân tích và giải thích, thảo luận để đạt được một sự điều chỉnh và thống nhất về cách suy nghĩ, cách làm hoặc về một vấn đề nào đó, giúp giải quyết vấn đề hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn một cách xây dựng và có lợi cho tất cả các bên.
11 -Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
Khả năng con người nhận thức được nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn và giải quyết nó với thái độ tích cực, không dùng bạo lực, thỏa mãn được nhu cầu và quyền lợi các bên. Phải luôn kiềm chế cảm xúc, tránh bị kích động, nóng vội, giữ bình tĩnh trước mọi sự việc để tìm ra nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn cũng như tìm ra cách giải quyết tốt nhất.
12 -Kỹ năng hợp tác
Khả năng cá nhân biết chia sẻ trách nhiệm, cam kết và cùng làm việc có hiệu quả với những thành viên khác trong nhóm. Có kỹ năng hợp tác là một yêu cầu quan trọng của con người trong xã hội hiện đại.
13 -Kỹ năng tư duy phê phán
Khả năng phân tích một cách khách quan và toàn diện các vấn đề, sự vật, hiện tượng…xảy ra. Kỹ năng này rất cần thiết để con người có thể đưa ra được những quyết định, những hành động phù hợp. Kỹ năng tư duy phê phán rất quan trọng đối với cá nhân khi đối mặt với nhiều gay cấn của cuộc sống, luôn phải xử lý nhiều nguồn thông tin đa dạng, phức tạp.
14 -Kỹ năng tư duy sáng tạo
Giúp con người tư duy năng động với nhiều sáng kiến và óc tưởng tượng, biết cách phán đoán và thích nghi, có tầm nhìn và khả năng suy nghĩ rộng hơn những người khác, không bị bó hẹp vào kinh nghiệm trực tiếp đang trải qua, tư duy minh mẫn và khác biệt.
15 -Kỹ năng ra quyết định
Biết quyết định lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết vấn đề hoặc tình huống gặp phải trong cuộc sống một cách kịp thời. Kỹ năng này rất cần thiết trong cuộc sống giúp con người có được sự lựa chọn phù hợp, đem lại thành công.
16 -Kỹ năng giải quyết vấn đề
Để giải quyết vấn đề có hiệu quả cần xác định rõ vấn đề hoặc tình huống đang gặp phải, liệt kê các cách giải quyết đã có, hình dung đầy đủ về kết quả xảy ra nếu lựa chọn phương án nào đó, xem xét về suy nghĩ và cảm xúc của bản thân nếu thực hiện phương án đó, so sánh các phương án để đưa ra quyết định cuối cùng, hành động theo quyết định đã lựa chọn.
17 -Kỹ năng kiên định
Kỹ năng kiên định giúp cá nhân tự bảo vệ được chính kiến, quan điểm, thái độ và những quyết định của bản thân, đứng vững trước những áp lực tiêu cực của những người xung quanh.
18 -Kỹ năng đảm nhận trách nhiệm
Khả năng con người thể hiện sự tự tin, chủ động và ý thức cùng chia sẻ trách nhiệm với các thành viên khác trong nhóm. Có kỹ năng đảm nhận trách nhiệm sẽ tạo ra không khí hợp tác tích cực và tinh thần xây dựng, giúp giải quyết vấn đề đạt được mục tiêu chung, tạo sự thỏa mãn và thăng tiến cho mỗi thành viên.
19 -Kỹ năng đặt mục tiêu
Biết đề ra mục tiêu cho bản thân trong cuộc sống và lập kế hoạch để thực hiện được mục tiêu đó. Kỹ năng đặt mục tiêu giúp chúng ta sống có mục đích và dễ thành công.
20 -Kỹ năng quản lý thời gian
Biết sắp xếp các công việc theo thứ tự ưu tiên, tập trung vào giải quyết các công việc trọng tâm trong một thời gian nhất định. Quản lý thời gian là một trong những kỹ năng quan trọng trong nhóm kỹ năng làm chủ bản thân.
Trích: baolamdong.vn





Khám phá nhận thức cảm xúc bản thân chính là để chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình. Vậy kỹ năng nhận thức cảm xúc là gì? Và làm thế nào để nâng cao khả năng nhận thức cảm xúc đó?
Những người thành công và hạnh phúc luôn phát triển được khả năng tập trung, chú tâm hoàn toàn vào công việc và duy trì nó cho đến khi hoàn tất. Họ tự rèn luyện bản thân chỉ suy nghĩ, nói và làm những gì mình muốn và nhận biết ngay những suy nghĩ, những cảm xúc đang làm phân tán sự chú tâm của họ.
Tại sao có những người luôn biết cần nói gì và nói như thế nào để cho người khác không bao giờ cảm thấy khó chịu và mâu thuẫn. Và kể cả khi họ chưa tìm ra cách giải quyết vấn đề thì họ cũng luôn giữ được thái độ lạc quan và đầy hy vọng.
Có lẽ chúng ta đều biết một ai đó xung quanh có khả năng kiểm soát được cảm xúc của họ. Họ có vẻ như không bao giờ xì-trét, luôn điềm đạm, tự tin…; họ có khả năng nhìn ra được vấn đề và bình tĩnh tìm giải pháp; họ quyết đoán và biết khi nào thì trực giác của họ đúng.
nhan thuc cam xuc Kỹ năng nhận thức cảm xúc
1. Kỹ năng nhận thức bản thân.
Kỹ năng nhận thức bản thân là tìm lại chính mình, lắng nghe, thấu hiểu về chính mình và từ đó có thể cảm nhận được cảm xúc của nhiều người khác nữa. Mỗi cá nhân đều có những tố chất khác nhau, nhu cầu và mong muốn khác nhau và cách thể hiện cảm xúc cũng khác nhau. Thông qua tất cả sự khéo léo, thông minh, tế nhị – đặc biệt là nếu chúng ta muốn thành công trong giao tiếp, giải quyết vấn đề, thì kỹ năng nhận thức cảm xúc bản thân lại càng trở lên quan trọng, có thể nói nó chính là kỹ năng cơ bản cần có để phát triển nhiều kỹ năng khác.
Kỹ năng nhận thức cảm xúc bản thân là khả năng cảm nhận cảm xúc của chính bạn, hiểu được những gì người khác nói với bạn và cách mà cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nó bao gồm cảm giác, ý nghĩ của bạn, cũng như khi bạn hiểu được cảm xúc của người khác như thế nào, nó cho phép bạn kiểm soát được mối quan hệ của mình hiệu quả hơn, hòa hợp hơn.
- Khả năng tự nhận thức:
Có khả năng nhận thức tốt, từng lúc thấy ngay được cảm xúc của chính mình và vì thế, không để cho cảm xúc lấn át lý trí làm phát sinh những phản ứng tiêu cực.
Biết điểm mạnh, điểm yếu của mình để biết lĩnh vực nào là lĩnh vực có thể làm tốt, lĩnh vực nào yếu kém cần phải khắc phục. Rỏ ràng, khả năng tự nhận thức là kỹ năng quan trọng nhất cho việc tự học, tự lập, tự thân vận động.
- Khả năng tự điều chỉnh:
Khả năng kiểm soát những cảm xúc và sự bộc phát, tránh được những phản ứng hồ đồ. Người có khả năng tự điều chỉnh này không cho phép mình trở nên quá giận dữ, đố kỵ và họ không được bốc đồng hay có những quyết định thiếu cẩn thận. Họ nghĩ trước khi họ hành động. Đặc điểm của khả năng tự điều chỉnh là có sự suy tính, thoải mái với những thay đổi, trung thực và có khả năng để nói lời từ chối nhã nhặn.
- Cảm thông:
Cảm thông là khả năng nhận ra và hiểu được những người chung quanh muốn gì, cần gì và quan điểm của họ thế nào. Người có khả năng cảm thông sẽ cảm nhận được cảm xúc của người khác, ngay cả khi cảm giác đó không được rõ ràng. Nhờ vậy, sự cảm thông, biết lắng nghe thường quản lý rất tốt các mối quan hệ. Tránh được sự thành kiến, trở nên cởi mở và dễ mến. Họ có thể kiểm soát những cuộc tranh cãi, làm chủ các cuộc thảo luận, là người truyền tin tuyệt vời và họ còn là những người tài ba trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ.
Khi bạn có thể nhận biết các cảm xúc của bản thân, có thể đó một chìa khóa để bạn thành công trong cuộc sống của bạn – đặc biệt trong nghề nghiệp của bạn. Khả năng quản lý người khác và các mối quan hệ là yếu tố quan trọng của tất cả các nhà lãnh đạo. Vì vậy, việc phát triển và sử dụng kỹ năng nhận biết cảm xúc bản thân là cách hay để bạn nhận biết và điều chỉnh tâm trạng xúc động của mình cũng như cảm thông với người khác.
2. Làm thế nào để nâng cao nhận thức cảm xúc?  
Bạn có thể tham khảo những lời khuyên dưới đây:
- Quan sát cách bạn phản ứng với mọi người. 
Bạn có vội vàng phán quyết một điều gì đó trước khi bạn biết tất cả sự thật không? Bạn có phải là người cứng nhắc, nhiều thành kiến? Hãy xem xét một cách trung thực cách mà bạn nghĩ và giao tiếp với người khác. Cố gắng đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ và hãy cởi mở và chấp nhận những quan điểm và nhu cầu của họ.
- Tự đánh giá mình.
Điểm yếu của bạn là gì? Bạn có thừa nhận bạn là người không hoàn hảo và bạn có thể làm việc ở một vài lĩnh vực mà bạn làm tốt hơn người khác không? Bạn khiêm tốn hay giả vờ khiêm tốn? Bạn có thể tự an ủi được bản thân, cởi bỏ những ức uất, ưu tư, phiền muộn và khống chế được căn nguyên gây nên cảm xúc tiêu cực đó? – Nếu bạn có thể nhận biết mình một cách trung thực, bạn có thể thay đổi cuộc sống của bạn.
- Hãy xem cách bạn phản ứng với các tình huống cẳng thẳng. 
Bạn trở nên khó chịu mỗi khi chậm trễ hay có một số chuyện xảy không như ý muốn của bạn? Bạn có hay đổ lỗi cho người khác hay trút cơn giận dữ vào họ, kể cả khi không phải lỗi của họ. Khả năng giữ bình tĩnh và kiểm soát trong tình huống khó thường được đánh giá cao – trong thế giới kinh doanh cũng như bên ngoài nó. Hãy luôn tự nhận biết cảm xúc của bạn!
- Chịu trách nhiệm về hành động của bạn.
Hãy xem xét cách bạn hành động sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào trước khi bạn hành động. Nếu quyết định của bạn ảnh hưởng mạnh mẽ đến người khác, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Họ sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn làm như vậy? Nếu bạn làm ai có cảm giác bị tổn thương, hãy xin lỗi trực tiếp – đừng bỏ qua những gì bạn đã làm và xa lánh người đó. Người ta thường sẵn sàng tha thứ và quên đi nếu như bạn thực sự trung thực cố gắng làm đúng.
Tóm lại, kỹ năng nhận thức cảm xúc bản thân là sự nhận thức ngay được hành động và cảm xúc của chính mình và cách chúng ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Khả năng này rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của loài người, nó làm con người hiểu nhau hơn, có lợi cho việc tạo lập mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Kỹ năng nhận thức cảm xúc bản thân, một kỹ năng ích lợi cho mình và cho cả mọi người. 






0 nhận xét: