Câu hỏi của con khá hóc búa, bố phải nghĩ mất mấy ngày để tìm cách giải thích cho con sao cho dễ hiểu. Bố nhớ ngày nhỏ, bố cũng có thắc mắc này.
Tại sao người Việt Nam chúng mình lại có những hai cái Tết? Tết tây - là những ngày lễ năm mới tính theo Dương lịch và Tết ta là những ngày lễ năm mới tính theo Âm lịch. Đương nhiên, chẳng phải do có ai đó nghĩ ra để chúng mình có nhiều ngày nghỉ đi chơi cho...sướng! Trước hết, chúng mình hãy thử cùng nhau tưởng tượng, không có "lịch" thì sẽ như thế nào nhé? Thì ta sẽ không biết hôm nay là ngày mùng mấy, thứ mấy, tháng mấy và của năm bao nhiêu. Ngày tháng cứ trôi đi mà ta chẳng biết gì cả, chỉ thấy hôm nay ban đầu là buổi sớm, mặt trời lên, rồi trưa - mặt trời đứng bóng, và tối - mặt trời đi ngủ. Thế thôi... Chẳng ai trong chúng mình biết được mình đã bao nhiêu tuổi. Chẳng ai nhớ được ngày sinh nhật để mà mua bánh kem, thổi nến và nhận quà mừng...Hai người muốn hẹn gặp nhau cũng chẳng biết làm sao mà hẹn. Không ai hiểu hôm nào thì mình phải mang những sách vở gì cho đúng thời khóa biểu. Không ai biết ngày nào chúng ta có thể được nghỉ ở nhà! Chà, thật bao nhiêu phiền phức sẽ xảy đến nếu không có lịch, con nhỉ? Người ta cố gắng đếm và đếm được, trái đất quay xung quanh mặt trời trọn một vòng thì hết hơn 365 lần "mặt trời mọc rồi lặn". Và đó - thời điểm "mặt trời mọc lên rồi lặn đi" để trái đất mới đi đủ một vòng...Và cách tính toán ngày đêm theo kiểu này người ta gọi là Dương lịch - lịch của mặt trời. Người dân đầu tiên biết tính toán khoa học như thế là người La Mã cổ, con ạ. Thế nhưng, ban đầu họ chưa thích dựa vào mặt trời, mà lại chú ý đến Mặt trăng hơn. Vì sao ư? Có lẽ vì Mặt trăng dễ quan sát hơn. Con thử nhìn lên trên trời hàng ngày mà xem, con sẽ thấy, ban đầu, những ngày đầu tháng, Mặt trăng xuất hiện rất mảnh, như một lá lúa. Sau đó, mỗi ngày Mặt trăng ấy cứ to hơn ra, bằng lưỡi liềm, rồi đầy đặn dần cho đến khi trở thành một Mặt trăng rằm tròn vành vạnh, sáng vằng vặc trên bầu trời. Thế rồi được vài ngày, trăng lại bé dần, bé dần, biến thành lưỡi liềm, rồi lại trở về mảnh như lá lúa...và biến mất. Cứ một vòng như thế qua đi, người ta gọi là chu kì hoạt động của Mặt trăng. Người La Mã cổ ban đầu đã biết tính toán, thấy rằng chu kì ấy là hơn 29 ngày. Họ bèn lấy đó làm một tháng trong năm. Họ đã có Âm lịch bằng cách ấy đấy. Đây là bố nói ngắn gọn như vậy cho con dễ hiểu chứ việc tính toán tháng, năm...chẳng dễ dàng gì, các con số không tròn trịa như ta muốn nên đôi khi ngày này năm nay thì rơi vào tiết đầu xuân mà đến ngày này năm sau lại lệch đi thành cuối xuân rồi. Chính vì thế, người xưa cứ phải loay hoay bớt ngày của tháng này thêm cho tháng kia, lâu lâu lại cho thêm một tháng nữa vào giữa để làm sao cho chu kì của lịch hài hòa với chu kì của khí hậu trời đất. Vì thế mà có những năm có hai tháng đến cùng tên - người ta gọi đó là tháng nhuận trong năm nhuận. Nhưng, đến thời hoàng đế Julius Caesar, ông cho rằng cần tính ngày tháng theo mặt trời sẽ đúng hơn, nên ông lập lại lịch, lấy 365 ngày trái đất quay quanh mặt trời làm mốc rồi phân chia ra được 12 tháng. Từ đó, lịch La Mã tuân theo chu kì mặt trời, và được gọi là Dương lịch. Đương nhiên, ban đầu khi người ta mới lập lịch ra như thế thì vẫn có nhiều điều không đúng lắm nên họ phải điều chỉnh, sửa đi sửa lại dần dần cho hợp lý, giống như con làm một bài văn, cũng phải sửa đi sửa lại mãi mới hay! Khi La Mã bắt đầu dùng lịch La Mã thì các nước khác vẫn dùng lịch riêng của mình, hầu hết là lịch âm. Mãi sau này người ta mới biết đến những sửa đổi hay và đúng hơn của lịch La Mã mà bắt chước học theo. Vì thời đó làm gì có điện thoại hay máy tính để chúng ta thông tin cho nhau nhanh chóng như bây giờ! Có lịch Do Thái, lịch Hồi giáo, lịch Nhật Bản, lịch Trung Quốc...và cả lịch Việt Nam nữa. Việt Nam chúng ta xưa vẫn theo lịch Âm, giống Trung Quốc. Đó là lịch dựa vào chuyển động của Mặt trăng như bố đã kể với con trên kia đấy. Năm ngoái, ngày Tết (mùng 1 tháng 1 theo lịch Âm) rơi vào 14 tháng 2 lịch dương. Còn năm nay thì lại sớm hơn nhiều, vào mùng 3 tháng 2 con ạ. Phức tạp con nhỉ? Nhưng mà biết làm sao được! Chúng ta bây giờ đã theo Dương lịch như tất cả mọi quốc gia trên trái đất để dễ dàng...hẹn gặp nhau. Chứ giả sử Tổng thống Nga muốn sang thăm nước ta, hẹn ngày theo Dương lịch, mình lại cứ Âm lịch mà tính thì sẽ lệch nhau. Ông Tổng thống bay sang chẳng ai ra đón ở sân bay cả. Thế nhưng, chúng mình vẫn giữ cách tính Âm lịch vì đó không chỉ là lịch đâu,mỗi ngày một tháng đều có sự tính toán của ông cha ta, nhìn thời tiết để chăm sóc mùa màng. Nếu con giở một cuốn lịch bàn có ngày Âm ở dưới, thể nào cũng thấy những ghi chú nho nhỏ như Tiết thanh minh, Lập Đông, Lập Xuân...Đây là cẩm nang của các bác nông dân đấy con ạ. Vì vậy mà trên tờ lịch nhà ta treo đây, có số in to là Dương lịch, số in nhỏ ở dưới là Âm lịch. Tên năm theo Dương lịch thì tính bằng số. Năm nay là năm 2010! Còn tên năm theo Âm lịch lại tính bằng...tên các con vật, cộng với một từ nữa đi kèm ở đầu. Từ đó người ta gọi la "can". Có 12 con vật được dùng để đặt tên cho các năm, theo thứ tự thế này này: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi - nghĩa là: Chuột, Trâu, Hổ, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Tuất, Lợn. Năm 2010 theo Âm lịch là năm con Hổ (Dần) và có "can" đi kèm là Canh - tức là năm Canh Dần. Mà thôi, những điều này chúng mình sẽ tìm hiểu kĩ hơn sau nhé? Vậy con đã hiểu, Dương lịch là lịch theo Mặt trời, còn Âm lịch là lịch theo Mặt trăng, phải không? Đố con biết, chúng mình cần đến Âm lịch để làm gì nữa? Con có nhớ những ngày nào bà và mẹ thường mua hoa quả về thắp hương không? Không, không phải ngày giỗ Cụ, giỗ ông, mà là hàng tháng ấy? Đúng rồi, đó là ngày mùng Một đầu tháng theo Âm lịch, ngày Rằm là ngày giữa tháng và có thể cả ngày cuối tháng là ngày 30 nữa. Lấy những cái mốc theo vị trí của Mặt trăng như vậy để thắp hương, tưởng nhớ người đã khuất, bố nghĩ, cũng là một cách "hẹn hò" thật thú vị giữa chúng ta và những thân đã đi xa. Mỗi tháng, cứ lần nào thắp hương, bố cũng có cảm giác Cụ và ông trở về đâu đó quanh ta, cho dù chỉ là kí ức Bố cũng thấy ấm áp và dễ chịu lắm. Như vậy, Dương lịch để ta hòa nhập cùng thế giới mà phát triển, còn Âm lịch lại giúp cho ta giữ gìn những gì mà riêng dân tộc mình đang có, là những "bảo bối" để chúng ta được sống vui vẻ và hạnh phúc trên đời, con nhỉ? Con hãy đếm hộ bố xem, còn bao nhiêu ngày nữa là năm 2010 theo Dương lịch sẽ kết thúc? Ồ chẳng còn mấy nữa đâu...Sắp đến Tết tây rồi! Hoan hô! Và sau đó một tháng là lại đến Tết ta, lúc ấy mới kết thúc năm Canh Dần! Chúng mình cùng đón hai đợt lễ Tết, được nghỉ học và đi chơi. Nói gì thì nói, dùng hai lịch song song vẫn thật là có lợi, con nhỉ. Theo Bố Tấn Mẹ & bé
0 nhận xét:
Đăng nhận xét