Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

OOD


I. ERP là gì?

ERP là viết tắt của Enterprise Resource Planning hay còn gọi là hệ thống hoạch định doanh nghiệp, hiểu một cách ngắn gọn nhất là hệ thống phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp, kết nối mọi nghiệp vụ của doanh nghiệp với nhau để tổ chức điều hành nhằm khai thác tối đa nguồn lực của doanh nghiệp. Các bạn có thể xem video sau để biết rõ hơn về ERP.


                                             

      ERP là gì? - Nguồn: Youtube

Hiện tại trên thế giới cũng như trong nước có rất nhiều giải pháp ERP cho doanh nghiệp. Nếu phân loại theo chi phí thì có 2 loại chính là trả phí  (trả theo license + phí triển khai on-premise hoặc pay as you go dạng dịch vụ đám mây) và miễn phí (open source).
Với loại trả phí có thể liệt kê ra các giải pháp phổ biến nhất hiện nay như: SAP, Oracle, Microsoft Dynamics, ... Theo khảo sát của Panorama thì chi phí trung bình để triển khai ERP trong 5 năm gần đây nhất là 6,1 triệu USD với thời gian triển khai trung bình là 15,7 tháng.
Avarage ERP Implementation Cost
         Hình 1: Chi phí triển khai trung bình của các giải pháp trả phí – Nguồn: panorama
Đối  với các giải pháp Open Source thì có thể kể đến: Odoo/OpenERP, xTuple, Opentaps, Openbravo, ERPNext, ... Các giải pháp này cung cấp cho người dùng nền tảng cơ bản để triển khai ERP. Mỗi doanh nghiệp đều có đặc thù riêng của mình nên thông thường các giải pháp này được chỉnh sửa để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp đó.

II. Tại sao lại chọn Odoo/OpenERP:

Odoo được viết và phát triển bởi Fabien Pinckaers cùng cộng sự, được biết đến nhiều hơn với tên gọi OpenERP và trước đó là TinyERP, từ phiên bản 8.0 trở đi OpenERP được đổi tên thành Odoo. Vậy câu hỏi đặt ra là: tại sao người viết bài lại chọn Odoo? Một điều chắc chắn là sẽ không có một giải pháp nào hoàn hảo 100% cho một doanh nghiệp, thậm chí đối với các giải pháp trả phí. Theo khảo sát của panorama về mức độ hài lòng đối với các giải pháp ERP (ERP Software Satisfaction Levels) thì chỉ có 58% là thành công, 21% thất bại và 21% còn lại là trung lập.
ERP Software Satisfaction Levels
           Hình 2: Mức độ hài lòng đối với các giải pháp ERP – Nguồn: Panorama
Điều này cho thấy một thực tế rằng, dù tiêu tốn một khoản không nhỏ cho việc triển khai ERP nhưng mức độ thành công chỉ hơn 50%. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại, ở góc độ kĩ thuật có một số nguyên nhân chính sau: thời gian triển khai quá lâu (xem số liệu ở hình 1); hệ thống cứng nhắc, thiết kế ban đầu và thực tế khi triển khai đã sai khác nhau quá nhiều; chi phí vận hành bảo trì lớn. Một nguyên nhân quan trọng phải kể đến là chi phí tư vấn, triển khai, vận hành cao và tỉ lệ vượt quá ngân sách của các giải pháp luôn ở mức trên 50% (hình 1). Vậy Odoo/OpenERP khắc phục các nhược điểm này như thế nào?
Trước hết, Odoo/OpenERP là mã nguồn mở, ưu điểm lớn nhất nếu so với chi phí trung bình 6.1 triệu USD ở trên. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp Việt Nam, với sức ép ngày càng phải quản lý và khai thác các nguồn lực tốt hơn để cạnh tranh trong thời kì hội nhập quốc tế nhưng lại eo hẹp về kinh phí, khó mở hầu bao cho các giải pháp của nước ngoài thậm chí là trong nước thì các giải pháp miễn phí rõ ràng là một sự lựa chọn tốt. Cũng chính nhờ yếu tố mã nguồn mở này nên nhiều công ty tin học nhỏ có thể tham gia cung cấp triển khai và phát triển bổ sung các module phụ trợ. Ngoài ra, khác với SAP, Oracle chi phí phần cứng cao. Odoo dễ cài, vận hành thử trên nhiều nền tảng OS. Đây cũng là cơ hội để lập trình viên học và  tìm hiểu.
Hơn thế  nữa Odoo/OpenERP được viết chủ yếu trên Python 2.7 (còn có thêm Javascript và XML) với rất nhiều các module quan trọng cho doanh nghiệp: CRM, HRM, Sale, Accounting, Warehouse,… Python là ngôn ngữ lập trình cộng đồng phổ biến không chịu sự kiểm soát của hãng lớn nào. Có thể kết hợp với các thư viện Python nổi tiếng khác như MatplotLib để vẽ biểu đồ, ScikitLearn để phân tích dự đoán xu hướng dữ liệu (machine learning), hoặc mở rộng ra các web service để đối tượng ngoài, hệ thống ngoài, thiết bị di động kết nối vào.
Mặt khác, với hình thức được viết theo từng module độc lập, doanh nghiệp  có thể triển khai theo chiến thuật “Minimum Viable Product” nghĩa là dùng ngay dùng sớm sản phẩm khi nó còn ít tính năng. Điều này hoàn toàn khả thi với các module cơ bản của Odoo/OpenERP, doanh nghiệp không phải đợi tới khi hoàn thành giải pháp mới sử dụng, mà có thể sử dụng ngay để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Một xu hướng ERP hiện nay của các nhà cung cấp dịch vụ là triển khai ERP online, tích hợp vào dịch vụ đám mây (Cloud Service), sau đó cho người dùng thuê. Odoo/OpenERP hoàn toàn đáp ứng được vấn đề này  khi có thể triển khai dịch vụ đám mây, doanh nghiệp có thể lựa chọn để trả đúng module, tính năng mình sử dụng.
Cuối cùng là tính phổ biến của Odoo/OpenERP so với các giải pháp khác. Số lượng người quan tâm về giải pháp này cũng vượt trội, điều này thể hiện qua sự áp đảo của Odoo/OpenERP qua so  sánh của Google Trends (Các giải pháp Opentaps, ERPNext, ERP5, … đều không đủ volume để đưa ra so sánh).
Học lập trình trực tuyến từ căn bản đến nâng cao
                   Hình 3: So sánh khối lượng tìm kiếm của các ERP Open Source Solutions                                                                   Nguồn: Google Trends
Tuy điều này không nói lên rằng Odoo/OpenERP là giải pháp tốt nhất nhưng cho thấy sự quan tâm của người dùng đối với nó rất lớn. Odoo/OpenERP cũng thường xuyên nằm trong top đầu của giải thưởng Bossie Awards : The best open source applications liên tiếp của các năm 2013 tới nay do trang infoword bình chọn cũng như các bảng xếp hạng khác.
Một yếu tốt nữa hết sức quan trọng của các phần mềm Open Source nói chung là cộng đồng sử dụng. Cộng đồng Odoo/OpenERP mạnh được tổ chức dưới dạng Question and Answer (giống như Stackoverflow) thuận lợi cho việc giải đáp các thắc mắc hoặc các lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng. Đặc biệt ở Việt Nam có khá nhiều diễn đàn chuyên về Odoo/OpenERP sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai muốn tìm hiểu về giải pháp thú vị này.
Ngày đăng: 16/10/2015
 Nguồn  http://techmaster.vn/posts/33601/hoc-lap-trinh-python-qua-framework-odoo

0 nhận xét: