Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Một số vấn đề về mạng

Mạng là gì ? Các loại mạng ? Hệ điều hànhh mạng ?Network - Mạng:

Là một hệ thống kết nối nhiều thiết bị (hoặc tập hợp nhiều thiết bị) lại với nhau. Mỗi điểm là một máy tính hoặc nhiều máy tính (mạng máy tính), một máy điện thoại hoặc hệ thống nhiều máy điện thoại (mạng điện thoại), một hay nhiều thiết bị video (mạng truyền hình).....Như vậy mạng là hệ thống kết nối nhiều thiết bị thông tin lại với nhau để truyền các dữ liệu máy tính (mạng máy tính), giọng nói, âm thanh (mạng điện thoại) và hình ảnh hoặc phim video (mạng truyền hình) trong phạm vi một văn phòng, một tòa nhà, một thành phố, một quốc gia hay giữa các quốc gia với nhau.

Ở trong phạm vi chuyên đề, chúng tôi chỉ xin giới thiệu đến các bạn về mạng máy tính, mạng điện thoại, mạng truyền thông đa phương tiện (hay còn gọi là mạng tích hợp) hay nói chung là mạng truyền thông. Do vậy, khi đề cập đến từ "mạng", xin vui lòng hiểu là một trong các dạng mạng kể trên (tùy theo phân đoạn), không phải là....."mạng lưới tội ác" hoặc....."mạng nhện" !?!

Computer Network - Mạng máy tính:

Là mạng kết nối các máy tính hoặc hệ thống nhiều máy tính và các thiết bị máy tính lại với nhau.

LAN (Local Area Network) - Mạng Cục bộ (hay Mạng Nội bộ):

Là mạng máy tính trong nội bộ một văn phòng, một tòa nhà được kết nối với nhau thông qua hệ thống cáp nối (wiring system) hoặc vô tuyến (wireless) nhằm mục đích chia sẻ thông tin và các tài nguyên dùng chung khác như: máy in, đĩa cứng, kết nối Internet.....một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.



Workstation - Trạm làm việc:

Là một máy tính được kết nối vào mạng LAN và được sử dụng như một trạm làm việc trong mạng.

Peer-to-Peer Network - Mạng Điểm-Điểm:

Là mạng cục bộ gồm nhiều máy tính có chức năng hoạt động bình đẳng với nhau, không phân biệt: chủ-tớ (host-terminal), Khách-Dịch vụ (client-server). Nói cách khác, nó là một hệ thống mạng bao gồm các máy tính cài hệ điều hành mạng kiểu "ngang hàng". Ví dụ: mạng gồm 4 máy tính cài hệ điều hành Microsoft Windows 98, được thiết lập để chia sẻ thông tin, sử dụng chung máy in... Xem hình trên.

Client-Server Network - Mạng máy tính có phân biệt máy Khách-máy Dịch vụ:

Là mạng cục bộ gồm nhiều máy tính có chức năng là máy Khách (client) tức người khai thác, sử dụng dịch vụ trong mạng và một (hoặc nhiều) máy tính có chức năng là máy Dịch vụ (server) tức người cung cấp các dịch vụ, tài nguyên trong mạng. Các máy Dịch vụ (server) sẽ có nhiều loại: File Server, Print Server, Database Server, E-mail Server, Web Server, Communications Server... mỗi loại máy Dịch vụ chuyên cung cấp một loại dịch vụ (service) hoặc tài nguyên (resource) dùng chung cho toàn bộ hoặc một phần của mạng. Ví dụ: Trong một mạng cục bộ, máy tính cài hệ điều hành mạng Novell Netware (ví dụ: Novell Netware Server 5.1) được sử dụng làm chức năng một máy cung cấp dịch vụ lưu trữ-trao đổi-truy cập các tập tin dữ liệu (files) trong mạng cho các máy tính "khách" bình thường khác nên được gọi là máy Dịch vụ tập tin (File Server) trong mạng. Các máy Khách (Client) được cài đặt hệ điều hành máy trạm (ví dụ: DOS, Windows 9X, Windows Me, Windows 2000...) và Chương trình phần mềm máy Khách (Client software) để kết nối vào các máy Dịch vụ để truy cập - sử dụng dịch vụ và/hoặc tài nguyên dùng chung trên mạng.

DOS (Disk Operating System):

Là hệ điều hành máy tính lẻ hay còn gọi là hệ điều hành máy tính trạm. Trước kia, chúng ta thường sử dụng MS-DOS của hãng MicroSoft hoặc PC-DOS của hãng IBM là các hệ điều hành máy tính lẻ sử dụng giao diện ký tự (text). Sau đó, MicroSoft phát triển hệ điều hành Windows hỗ trợ đồ họa như MS Windows 3.0, Windows 3.1, Windows 3.11 nhưng vẫn sử dụng giao diện ký tự làm nền tảng. Tuy nhiên ngày nay, các hệ điều hành máy tính lẻ đã ..."đoạn tuyệt" với giao diện ký tự, bắt đầu từ Windows Me, rồi đến Windows 2000...

Client Software - Phần mềm máy Khách:

Là phần mềm cho phép máy tính trạm đơn lẻ (standalone PC) kết nối vào mạng và trở thành một workstation trong mạng. Phần mềm này sẽ làm cầu nối giao tiếp giữa hệ điều hành máy trạm và hệ điều hành mạng (Network operating System). Trước đây, người ta gọi phần mềm này (Client Software) là phần Vỏ (shell). Ta có thể hiểu nó là phần trung gian giúp máy tính đơn lẻ (standalone PC) giao tiếp với hệ điều hành mạng tương tự như Vỏ ốc ngăn cách giữa bản thân con ốc với môi trường bên ngoài.

This post contains hidden content

Phần mềm máy trạm thường được cung cấp bởi (hoặc là một phần của) hệ điều hành mạng vì nó có sẵn các giao thức (network protocol) và giao diện truy nhập (logon screen) phù hợp với hệ điều hành mạng. Tuy nhiên các hệ điều hành máy tính cá nhân (DOS) sử dụng giao diện đồ họa của Microsoft sau này như Windows 95, Windows 97, Windows 98... đã hỗ trợ sẵn các giao thức cho các loại mạng (hoặc hệ điều hành mạng) phổ biến như IPX/SPX của Novell Netware Server, TCP/IP của các hệ điều hành Microsoft, Banyan VINES của hãng Banyan...Ví dụ:

1)Máy tính lẻ sử dụng giao diện ký tự (thường gọi text-based user interface) MS-DOS 6.22 muốn kết nối vào mạng sử dụng hệ điều hành mạng Novell Netware 4.11 thì trong lúc cài đặt HĐH mạng trong Server, ta phải cài đặt một phần "products" (sản phẩm) theo bộ phần mềm Netware có tên gọi là "Novell Client software for MS-DOS" (Phần mềm cho máy Khách sử dụng hệ điều hành MS-DOS). Thông thường phần mềm này được "chiết" ra một số đĩa mềm (diskette) được đánh mã là "Novell Client software for MS-DOS, Disk#1", "Novell Client software for MS-DOS, Disk#2" v.v... Người cài đặt mạng sẽ sử dụng các đĩa mềm này để cài vào các máy trạm làm việc (workstation hoặc Client).

2)Khi kết nối máy tính lẻ sử dụng HĐH Windows 98 với File Server Novell Netware 4.11 ta không cần sử dụng bộ phần mềm "Novell Client Software for MS Windows 9x" ("chiết" ra từ bộ phần mềm Novell Netware 4.11) nữa mà chỉ cần cài thêm phần mềm "Client for Netware networks " được hãng Microsoft tích hợp sẵn trong bộ phần mềm Microsoft Windows 98. Đây là điểm thuận lợi lớn của người dùng sử dụng phần mềm của hãng Microsoft - Hãng phần mềm khổng lồ có đủ loại sản phẩm từ: HĐH máy lẻ (DOS), Phần mềm máy trạm (Client software) và hệ điều hàng mạng (Network operating system - NOS) và nhiều loại phần mềm ứng dụng.










NOS (Network Operating System) - Hệ Điều Hành Mạng:

Là phần mềm điểu khiển việc kết nối mạng, định nghĩa và quản lý việc truy cập các tài nguyên trong mạng. Khả năng quản lý cung cấp các tài nguyên, danh mục người dùng, khả năng bảo mật, truy cập và sử dụng tài nguyên.....là các tiêu chí để đánh giá và lựa chọn hệ điều hành phù hợp cho một nhu cầu xây dựng mạng. Các phần mềm MS Windows 95, Windows 97 , Windows 98.....là các hệ điều hành mạng ngang hàng (peer-to-peer network). Hệ điều hành mạng ngang hàng có khả năng chia sẻ tài nguyên của một máy tính trong mạng thành tài nguyên dùng chung trong mạng.

Các hạn chế mạng LAN (mạng cục bộ) sử dụng hệ điều hành mạng ngang hàng:

-Không có khả năng quản lý tài nguyên và "cấp phép truy cập" hiệu quả cho các tài nguyên mạng.

-Khả năng bảo mật kém: khả năng phân biệt được "bạn" (người được quyền truy cập) và "thù" (kẻ truy cập trái phép tài nguyên trên mạng) rất hạn chế. Các tài nguyên trên mạng nói chung chỉ được "chia sẻ chung chung" (share-level access control), ai muốn truy cập thì truy cập.


-

Khả năng cung cấp dịch vụ của "chủ sở hữu tài nguyên" bị hạn chế do các cài đặt trên máy chủ đó không được tối ưu hóa và không chuyên môn hóa. Trong ví dụ sau: Mạng ngang hàng sử dụng các HĐH mạng MS Windows 98 và Windows 98 SE, nếu MÁY 4 bị lỗi phần mềm hoặc bị "treo" (halted) thì kết nối Internet được cung cấp bởi MÁY 4 sẽ bị ngưng ngay.






HĐH Windows ở tất cả các máy tính MÁY 1,2,3,4 đều thực hiện 3 chức năng chính:

• DOS - là lớp phần mềm điều khiển máy tính đơn bên dưới giao diện đồ họa (underlying control program).

• Client Software - là phần mềm "Client for Microsoft Networks" được cài đặt ở phần mạng (Control panel -> Network -> Configuration), là lớp "vỏ" giữa DOS và NOS.

• NOS - Hệ điều hành mạng cho phép quản lý và chia sẻ tài nguyên.

Các tài nguyên dùng chung trong mạng bao gồm: • Máy in Laser cài ở MÁY 1 nhưng được MÁY 1 "cho phép xài chung" : các máy tính khác có thể sử dụng nó như thể máy in được gắn trực tiếp vào mỗi máy tính đó vậy.

• Thư mục C:\DATA của MÁY 3 nhưng được MÁY 3 "cho phép xài chung" : các máy tính khác có thể truy cập vào thư mục này để lấy thông tin thôi (nếu MÁY 3 cấp phép "CHỈ ĐỌC" - Read Only) hoặc có thể cập nhật thêm/xóa/sửa thông tin trong thư mục này (nếu MÁY 3 cấp phép "TOÀN QUYỀN" - Full Access).

• Kết nối Internet: Máy 4 được cài đặt HĐH mạng Microsoft Windows 98 và cấu hình cho phép chia sẻ kết nối Internet (Internet Connection Sharing - ICS). Các máy tính MÁY 1, 2, 3 có thể "cùng sử dụng kết nối Internet" thông qua modem được nối ở MÁY 4.

Client-Server NOS - Hệ điều hành mạng mô hình Khách - Chủ:

Các phần mềm MS Windows NT, Novell Netware ... là các hệ điều hành mạng mô hình Khách-Chủ (hoặc máy Khách - máy Dịch vụ). Máy Chủ (Server - còn gọi là Máy Dịch vụ) sở hữu tài nguyên có khả năng cấp phát quyền truy cập khác nhau cho từng người / nhóm người dùng khác nhau.

Các lợi điểm của mạng LAN mô hình Khách - Chủ (Client - Server):

• Có khả năng quản lý tài nguyên một cách hiệu quả nhờ vào các đặc tính như tốc độ, khả năng xử lý, khả năng bảo mật, mức độ sẵn sàng được tối ưu hóa cả về phần cứng (do các cấu trúc máy tính chuyên dụng cho Server) và phần mềm (do sử dụng hệ điều hành mạng Client / Server).

• Việc truy cập các tài nguyên trong mạng được quản lý một cách chặt chẽ và linh động theo từng người /nhóm người dùng khác nhau (user-level access control). Ví dụ: a) người quản trị mạng có thể thiết lập các thời gian biểu cho phép một người/nhóm người dùng truy cập vào mạng vào các thời điểm nào đó trong ngày và cấm truy cập vào các thời điểm khác b) Một người dùng có thể được cấp quyền truy cập đến thư mục A trên máy server, trong khi người dùng khác lại không được trong khi cả hai đều sử dụng cùng một máy trạm để vào mạng.

• Khả năng xử lý đa nhiệm (multi-tasking), đa người dùng (multi-user) được tối ưu hóa cho phép nhiều người dùng đồng thời cùng truy cập tài nguyên dùng chung, cùng khai thác ("chạy") một ứng dụng ở các mức độ khác nhau.

• Khả năng chịu lỗi được hỗ trợ bởi hệ điều hành (kết hợp với phần cứng) của máy chủ cho phép mạng hoạt động liên tục và an toàn, các tài nguyên trên mạng (tập tin riêng lẻ, cơ sở dữ liệu, máy in, kết nối Internet ...) luôn ở tình trạng sẵn sàng phục vụ. Ví dụ: khả năng tạo đĩa mirror (đĩa ảnh) trong mạng sử dụng MS Windows NT và Novell Netware khiến cho việc "rớt" mạng do đĩa cứng của server hỏng sẽ được giảm bớt ở mức độ rất thấp (nghĩa là khả năng sẵn sàng và độ an toàn dữ liệu cao - high availability & reliability). Ví dụ: Mạng phân cấp Khách - Chủ sử dụng các hệ điều hành mạng Novell Netware 4.1 và Microsoft Windows NT 4.0 ở các máy chủ (Server), các máy tính trạm (client PC - workstation) sử dụng hệ điều hành máy trạm Microsoft DOS 6.22 và MS Windows 98.

0 nhận xét: