Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Sử dụng tiếng Việt cho đúng



Hiện nay trong văn bản của cơ quan Nhà nước, trên báo chí, truyền hình và cả in thành sách... không ít trường hợp sử dụng tiếng Việt thiếu chính xác đã trở thành thói quen tai hại làm mất đi sự chính xác, trong sáng của tiếng Việt

Một tiết học tiếng Việt tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1-TPHCM. Ảnh: T.Thạnh
Trong giao tiếp, trong thông tin có thể người ta giản lược cách nói, cách viết cho đơn giản, dễ hiểu, điều đó chấp nhận được. Nhưng giản lược quá mức hoặc dùng từ không chuẩn khiến cho câu nói, câu viết sai nghĩa là điều không nên làm.
Rút gọn từ,làm sai nghĩa
Trong văn bản hướng dẫn tuyển sinh của Bộ GD-ĐT ghi: “Những trường đóng ở vùng dân tộc được cộng thêm 0,5 vào điểm ưu tiên...”. Vùng dân tộc là vùng nào? Đáng lẽ phải ghi đầy đủ là vùng dân tộc thiểu số. Hoặc, trong văn bản nói về chương trình xây dựng, phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT ghi: “Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa...”. Đồng bào dân tộc miền núi là dân tộc nào? Sao không viết là đồng bào ở miền núi hay đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi? Hay, trên nhiều tờ báo người ta vẫn viết “học sinh người dân tộc”. Vậy người dân tộc là người gì?
“Dân tộc” là danh từ chung chứ đâu phải danh từ riêng mà lại viết như thế không khác gì là danh từ riêng. Thậm chí có tựa đề một bài báo trên trang nhất “Bí thư Thành đoàn TPHCM phát học bổng cho học sinh dân tộc Gia Lai”. Chẳng lẽ ở nước ta vừa thêm một dân tộc mới phát hiện là dân tộc Gia Lai ngoài 54 dân tộc hiện có?
Sử dụng từ không chính xác
Trong một lần đến thăm đồng bào vùng bão lũ, một quan chức cao cấp đã yêu cầu chính quyền địa phương “không để nhân dân bị thiếu đói”. Hiểu nghĩa như thế nào về từ thiếu đói? Vậy phải giúp cho người dân đủ đói hay sao? Đáng lẽ chỉ nói là “thiếu ăn” hoặc “đói” thì có dễ hiểu hơn không?
Đến ngay cả ngành ngân hàng, khi dùng từ chuyên môn của mình, họ cũng dùng sai. Từ lãi suất thường dùng như “gửi tiền nhận lãi suất”, “cho vay không lãi suất”. Ở đây có sự lẫn lộn “lãi suất” với “lãi”. “Lãi suất” là tỉ lệ lãi, là số tương đối. Lãi là tiền lời là số tuyệt đối. Nói cho chính xác phải là “gửi tiền nhận lãi” chứ không thể “nhận lãi suất”, hay “cho vay lãi suất bằng 0”.
Có những trường hợp dùng từ sai đến mức làm đảo hẳn nghĩa của câu nói, nhưng nó vẫn thường diễn ra khá phổ biến trong giao tiếp hằng ngày. Ví như đưa người bị bệnh đi khám bệnh thì nói là đi khám bác sĩ. Hay, người bị mất cắp đồ đạc đi trình báo cơ quan công an thì lại nói đi thưa công an.
Danh xưng cũng rối bời
Cách ghi từ “ông, bà, anh, chị, học vị” trước tên của một người cũng rất lộn xộn. Người không có học vị thì trước tên ghi là ông Bùi Văn A, người có học vị lại chỉ ghi TS Nguyễn Văn B. Một người có học vị cao (thường là thạc sĩ trở lên), thì ghi học vị trước tên như thạc sĩ Nguyễn Văn C, khoa tài chính...” (không có ông). Nhưng người có học vị cử nhân thì không ghi học vị, lại ghi là “ông Trần Văn D, giảng viên khoa ngân hàng...”. Phải chăng do sự háo danh mà ra? Hay từ ông, bà sử dụng trước tên một người để chỉ người đáng kính trọng? Rồi những ai làm công tác Đoàn Thanh niên, dù lớn hay nhỏ tuổi cũng đều dùng từ “anh”, “chị” chứ không dùng “ông”, “bà” để phù hợp tuổi tác của người đó.
Đặt tên một đơn vị, tên thường chỉ cho biết công việc chuyên môn của đơn vị đó, nhưng có trường hợp cũng không hiểu nổi. Bộ GD-ĐT có Vụ Giáo dục Dân tộc, chức năng vụ này “giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục dân tộc...”. Không hiểu quản lý Nhà nước về giáo dục dân tộc là quản lý nội dung gì? Đài Truyền hình Việt Nam có Ban Truyền hình tiếng dân tộc VTV5, không hiểu là truyền hình với tiếng gì?...
Có thể còn nhiều ví dụ nhưng những cách sử dụng tiếng Việt như trên đã làm cho tiếng Việt thêm phức tạp, khó hiểu và ngày càng phổ biến, trở thành thói quen để lại tai hại cho những thế hệ mai sau. Lỗi này có lẽ có cả trong dạy, học và sử dụng cẩu thả... Từ thực trạng trên, rất cần sự thận trọng để bảo đảm sự trong sáng và dễ hiểu cho tiếng Việt.
BÙI VĂN TRƯỜNG (Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

0 nhận xét: