Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

PP HỌC TỐT MÔN NNLCBCCNMLN 1

TS. Nguyễn Đức Luận: “Học giỏi môn Triết học sẽ dễ dàng học tốt các môn học khác” | ajc.edu.vn | Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Thứ ba 29/12/2015 17:22 Đăng nhập   | Liên hệ  | English English

TS. Nguyễn Đức Luận: “Học giỏi môn Triết học sẽ dễ dàng học tốt các môn học khác”

Thứ tư 25/09/2013 16:20

Triết học là một môn khoa học mang tính khái quát, trừu tượng cao, được nhiều sinh viên đánh giá là “khó nhằn”,  ít người được điểm cao. Ai điểm cao môn này  thường rất được ngưỡng mộ, tôn làm “sư phụ”. Thực ra, học tốt môn Triết học không phải khó, theo TS. Nguyễn Đức Luận, chỉ cần có phương pháp học đúng đắn thì học Triết sẽ trở nên dễ dàng và có khả năng đạt điểm cao.

Vậy thế nào là phương pháp học, ôn thi  và làm bài thi tốt, các bạn hãy cùng  phóng viên AJC trao đổi với TS. Nguyễn Đức Luận - Phó trưởng Khoa Triết học, Học viện Báo chí  và Tuyên truyền để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.

TS. Nguyễn Đức Luận- Phó trưởng khoa Triết học cho rằng: chỉ cần có phương pháp học đúng đắn thì học Triết sẽ trở nên dễ dàng và có khả năng đạt điểm cao.

Phóng viêv (PV): Là người dạy Triết học lâu năm, theo TS, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thường gặp khó khăn gì khi học môn này?

TS. Nguyễn Đức Luận:  Triết học là môn học có tính khái quát, trừu tượng cao, nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ tự nhiên, xã hội đến tư duy làm cho sinh viên thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình học, nhất là các khái niệm, phạm trù, quy luật,…thường khó nhớ và dễ nhầm lẫn.

PV: TS cho biết những  lợi ích của việc học Triết là gì?

TS. Nguyễn Đức Luận: Nhìn chung, Triết học (Mác - Lênin) trang bị cho con người thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đối với sinh viên còn học trong trường, môn Triết học tạo cho các em một khả năng tư duy rất tốt, có chiều sâu, giúp cho các em hình thành những phương pháp học tập hợp lý, khoa học. Nếu học giỏi môn này, các em sẽ dễ dàng tiếp cận và học tốt các môn học khác, ngành khoa học khác. Sau khi ra trường, các em càng cần đến Triết học, bởi nó giúp các em có khả năng bao quát rộng, tư duy lôgic, phương pháp làm việc khoa học; khả năng nhìn nhận, đánh giá, giải quyết vấn đề nhạy bén, sâu sắc.

PV: Học Triết học mang lại khá nhiều lợi ích, vậy làm thế nào để học tốt môn Triết học

TS. Nguyễn Đức Luận:  Theo tôi, để học tốt môn này phải có một sự hiểu biết, một nền tảng kiến thức nhất định, mọi sinh viên đều có thể học tốt môn này, bởi sự hiểu biết của họ đã được kiểm chứng bằng việc vượt qua được kỳ thi đại học, vấn đề còn lại là mục đích và phương pháp học tập có đúng đắn hay không.

Phương pháp học một môn học thường do bản chất của môn học và  động cơ, mục đích của người học quy định. Nếu việc học tập mang tính đối phó, chỉ nhằm mục đích đạt điểm trên trung bình thì thường dẫn đến cách học vẹt, học thuộc lòng; Còn nến là mục đích học tập là để hiểu, để phục vụ cho công việc sau này, học để đạt điểm cao trong các kỳ thi thì nhất thiết phải lựa chọn phương pháp khoa học, đúng đắn.

Để học tốt môn Triết học, theo tôi, trước hết sinh viên phải chú ý nghe giảng và ghi chép được nội dung cơ bản của bài giảng. Sau buổi học trên lớp, sinh viên cần xem lại bài giảng, kết hợp với việc đọc lại nội dung bài học trong giáo trình, trên cơ sở đó xây dựng đề cương môn học.

Về thực chất, đề cương môn học là sự hệ thống, khái quát  một cách cô đọng nội dung môn học. Việc này cần phải thực hiện ngay sau khi nghe giảng trên lớp, không nên chờ đến kỳ thi mới làm đề cương vì đến lúc đó sẽ không đủ thời gian cho một công việc quan trọng như vậy. Việc làm đề cương môn học buộc chúng ta phải nghiền ngẫm, suy nghĩ để rút ra những nội dung cơ bản nhất, sắp xếp và chia thành ý lớn, ý nhỏ một cách hợp lý, lôgic. Chính vì vậy, việc làm đề cương môn học không chỉ giúp chúng ta hiểu bài mà còn giúp chúng ta nhớ  những  nội dung cơ bản của bài học.

Việc liên hệ thực tiễn, lấy ví dụ thực tiễn đối với mỗi bài học cũng rất cần thiết. Nó giúp các em  hiểu sâu sắc hơn về bài học, môn học. Đối với sinh viên chuyên triết thì cần phải chú ý đọc các tác phẩm kinh điển và nhiều tài liệu tham khảo khác để hiểu sâu sắc hơn nội dung môn học.

PV: Để ôn thi môn Triết đạt hiệu quả cao thì sinh viên phải làm gì?

TS. Nguyễn Đức Luận:  Như tôi đã nói trên, các em nên lập đề cương và liên hệ với thực tiễn ngay trong quá trình học thì việc ôn thi môn này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đừng để đến  gần lúc thi mới làm sẽ không kịp.

Ngoài ra, các  em có thể hình thành các nhóm học tập để trao đổi, tranh luận với nhau, nói cho nhau nghe. Những người hiểu rõ vấn đề nên chủ động giảng cho người khác nghe, như vậy tốt cả cho người nghe lẫn người nói, bởi khi nói cho người khác nghe, hoặc giảng cho người  khác thì chắc chắn sẽ nhớ được nội dung sâu sắc và rèn luyện được kỹ năng  thuyết trình, một việc quan trọng đối với người nghiên cứu triết học.

Trong quá trình học tập, nghiên cứu nếu có điều gì không hiểu các em  nên trao đổi trực  tiếp với giảng viên trong  các buổi học.

PV: Nhiều sinh viên  thuộc bài nhưng khi làm bài thi điểm vẫn không cao, theo TS nguyên nhân vì sao?

TS. Nguyễn Đức Luận: Nhiều em thuộc bài nhưng đọc đề chưa kỹ, không hiểu rõ đề dẫn đến không  xác định được trọng tâm của đề, thường đi lan man, dành thời gian quá nhiều cho những phần phụ mà bỏ quên phần chính. Bên cạnh đó, nhiều em tuy hiểu bài nhưng trình bày không khoa học, không lôgic thì cũng rất khó đạt điểm cao.

PV: TS có thể chỉ ra cho các sinh viên cách làm bài thi thế nào để đạt điểm cao nhất?

TS. Nguyễn Đức Luận: Đầu tiên cần đọc kỹ đề, xác định đúng trọng tâm của đề. Cách trình bày bài thi cần khoa học.  Thông thường khi làm một bài thi môn triết học thường có cấu trúc như sau:

-          Trình bày các khái niệm liên quan đến nội dung trọng tâm mà đề thi yêu cầu

-          Trình bày, phân tích nội dung lý luận về vấn đề mà đề thi yêu cầu (trọng tâm của vấn đề)

-          Rút ra ý nghĩa phương pháp luận của vấn đề

-          Liên hệ với thực tiễn

Ví dụ đề bài: “Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa vật chất - ý thức và rút ra ý nghĩa phương pháp luận từ mối quan hệ đó”. Các em cần phải trình bày, làm rõ khái niệm vật chất, ý thức. Sau đó mới đi vào vấn đề trọng tâm là phân tích mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức (vật chất quyết định ý thức như thế nào, ý thức tác động trở lại vật chất như thế nào), từ đó rút ra ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ này và liên hệ với thực tiễn.

PV: Xin cám ơn TS về cuộc trao đổi này

Mai Nghiêm

Học viện Báo chí & Tuyên truyền

0 nhận xét: