Tại sao phải sao lưu thường xuyên web/blog của bạn ?
Tôi từng nghe một câu nói rất hay của một đàn anh đi trước khá là nổi tiếng trong ngành CNTT, là không có gì an toàn trên Internet. Đó là một câu nói chính xác. Mọi hệ thống đều có thể đổ sụp trong vài giây ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào.Vì thế hãy nhớ : “Khi vận hành một hay nhiều website, bạn phải làm mọi cách để bảo vệ cho nó an toàn, và đảm bảo khả năng khôi phục nhanh nhất có thể“.
Trước khi bắt đầu phần tiếp theo, Việt Coding đưa ra một định nghĩa mới về từ Plugin. Tất nhiên tôi không có ý định định nghĩa lại theo hướng khác đi, mà chỉ đơn thuần là mở rộng nó ra, tổng quan hơn, bao quát hơn. Khi tôi nói đến từ plugin, tôi không chỉ nói đến WordPress plugins mà còn bao gồm cả Joomla components, Joomla plugins và một số loại plugins, coms, mods, hacks,… của các webblog mã nguồn mở nổi tiếng khác như Bo-Blog, Drupal, phpNuke, phpBB,…
Tại sao phải sao lưu thường xuyên blog của bạn ?
Việt Coding đưa một vài ví dụ sau:1. Qua blog bạn bè, máy tìm kiếm, hoặc đâu đó, bạn tìm thấy một plugin tuyệt vời, giúp nâng blog của bạn lên một tầm cao mới. Ví dụ như nó sẽ thêm vài widget độc đáo, đặc sắc giúp bạn tăng lượng visit, kiếm thêm traffic,… và biết đâu web/blog của bạn sẽ vươn lên đứng thứ 2 Việt Nam nhờ nó. Thế là, trong viễn cảnh xán lạn và huy hoàng ấy, bạn nhanh chóng cài đặt và kích hoạt nó mà chưa đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Hoặc do tự tin vào kinh nghiệm làm web/blog nhiều năm của mình, bạn nghĩ: “Ối dào, đọc làm chi mấy cái hướng dẫn. Cái nào chả như cái nào, chắc cũng chỉ đại loại như “Không dùng cho trẻ em có thai và phụ nữ dưới 3 tuổi” chứ gì”. Thế là BOONG !!! Sau khi active, web/blog của bạn hiện ra một mớ hỗn độn hoặc một trang trắng tinh như OMO hoặc khủng khiếp hơn là phần Admin Dashboard cũng có chung số phận hẩm hiu ! Web/blog bạn đã “chết”.
2. Tình cờ bạn tìm được một theme/template cực đẹp mang phong cách nào đó phù hợp với web/blog của bạn đang phát triển như là chuyên nghiệp, lãng mạn hay đầy màu sắc. Bạn vội vàng thử ngay, và cũng với những sự cố tương tự như trường hợp 1, bao gồm : chủ quan + lơ là + thiếu cảnh giác. Web/blog của bạn “chết” tập 2.
3. Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, bạn thức dậy trong ánh nắng xuyên qua cửa sổ mang theo tiếng chim ríu rít. Một tách cà phê bốc khói nghi ngút đã được vợ bạn đặt sẵn ở chiếc bàn nhỏ bên cạnh. Bạn nhấp một ngụm và quyết định kiểm tra web/blog. Sau khi thong thả gõ địa chỉ vào trình duyệt, bạn trợn trắng mắt và té bật ngửa ra sàn. Cốc cà phê đổ tung tóe trên tấm thảm da nhím bạn vừa mua tuần trước. Trên màn hình máy tính là một trang đen thui với đòng chữ nhấp nháy: “Web của bạn đã bị hack bởi XYZ“. Web/blog của bạn “chết” tập 3.
4. Một buổi sáng chủ nhật khác :), tiếng ping-poong báo hiệu có thư đánh thức bạn dậy. Không cần cà phê bạn tỉnh như sáo khi được thông báo từ Google Webmaster Tools rằng web/blog của bạn bị liệt vào danh sách có chứa mã độc và bị khóa. Bạn truy cập vào web/blog để kiểm tra và đập vào mắt bạn là cảnh báo đỏ lòm : “Trang web này có khả năng gây hại cho máy tính của bạn“. Tim bạn như ngừng đập trong giây lát. Bạn …xém chết tập 1 nhưng web/blog của bạn chết … đến tập 4 rồi.
Với 4 lý do thường gặp trên, có rất nhiều những lý do khác khiến web/blog của bạn chết … nhiều tập như phim truyền hình. Việt Coding từng bị một vố đau hơn bò đá khi con Dedicated Server bị hỏng đĩa cứng. 3-4 websites trên đó mất sạch dữ liệu. Bản sao lưu cuối cùng mà tôi có trong tay là cách đó … 8 tháng. Chưa kể những sai xót khi thao tác upload thông qua FTP, thao tác qua các trình quản lý Cơ sở dữ liệu như phpMyAdmin, SQLLite, DBManager,… Chỉ một giây bất cẩn, thành quả, công sức, tâm huyết của bạn sẽ giã từ bạn để “đi về nơi xa lắm”.
Đến đây, bạn đã tự trả lời được câu hỏi – cũng chính là tiêu đề của bài viết này – rồi đấy !
Như
bạn thấy, rủi ro luôn rình rập bạn từng giây từng phút. Đó có thể do
tác động của con người (hacker, chính bạn sơ sẩy) hoặc do yếu tố khách
quan như hỏng hóc máy móc, thiên tai, động đất,… Vì vậy, chính bạn chứ
không ai khác phải luôn luôn đặt vấn đề sao lưu dữ liệu lên hàng đầu,
không phải chỉ ngày một ngày hai mà phải là một kế hoạch lâu dài.
Vậy chúng ta nên sao lưu như thế nào ?
– Sau khi cài đặt web/blog và cấu hình cơ bạn hãy sao lưu một bản dự phòng CSDL.– Trước khi cài đặt thử nghiệm bất kỳ cái gì mới trên web/blog của bạn hãy sao lưu một bản dự phòng CSDL.
– Mỗi tháng hoặc tuần, ngày, giờ càng tốt hãy sao lưu toàn bộ dữ liệu tập tin (bao gồm web/blog, các tập tin do bạn upload lên như image,media,…) và CSDL. Tần suất sao lưu càng nhiều càng tốt.
– Luôn luôn cập nhật các phiên bản mới nhất cho web/blog của bạn để đảm bảo các lỗi bảo mật đã được sửa chữa. Bạn có thể đọc thêm bài viết 10 plugins giúp bảo mật cho blog WordPress của bạn.
– Đừng quên lưu trữ các bản sao lưu ở nơi an toàn. Tốt nhất nên tạo thêm vài bản lưu trữ và cất ở nhiều nơi khác nhau ( các dịch vụ lưu trữ trực tuyến, CD/DVD, USB, đĩa cứng máy nhà, máy cơ quan, laptop, thậm chí Việt Coding còn lưu cả 1 bản trong bộ nhớ của điện thoại.
Lợi ích của việc sao lưu này như thế nào ?
Khi
xảy ra sự cố, web/blog của bạn sẽ không trì trệ quá lâu, vì bạn đã sẵn
trong tay bản sao lưu gần nhất. Việc rút ngắn thời gian “down” của
web/blog cũng khiến cho visitor thấy bạn hoạt động chuyên nghiệp, khắc
phục hậu quả ngay lập tức để luôn sẵn sàng phục vụ họ tốt nhất. Đó là
một lợi ích lớn lao mà có thể ở thời điểm này bạn chưa nhận thức rõ nó.
Như
vậy, qua bài viết này Việt Coding đã nêu ra các lợi ích cũng như thiệt
hại của việc xem nhẹ vấn đề sao lưu dữ liệu, với mong muốn rằng các bạn
sẽ chú ý hơn, dành nhiều thời gian hơn đến công việc cực kỳ quan trọng
này.
Trong một vài bài viết sắp tới, Việt Coding sẽ mở rộng bài viết này ở khía cạnh kỹ thuật. Các bạn đón xem nhé. Thân mến !
0 nhận xét:
Đăng nhận xét